Điện thoại:(024) 37823877 - 092.8846879

Văn hoá phát triển

Judo - Hành trình của môn võ Nhu đạo Nhật Bản trong trái tim một chàng trai Pháp gốc Việt tại Sài Gòn.

Thứ năm , 15/05/2025 | 23:38 GMT+7
    “Tôi mang trong mình dòng máu Việt, nhưng chưa từng thật sự sống tại quê hương. Khi trở về, tôi không chỉ tìm lại nguồn cội mà còn muốn đóng góp cho Judo Việt Nam - nơi đang phát triển nhưng vẫn còn thiếu nền tảng từ cơ sở đến huấn luyện.”  
      Judo - Võ đạo chứ không phải võ lực
    Khi nhắc đến võ thuật, nhiều người thường hình dung đến những pha ra đòn dứt khoát, tấn công mạnh mẽ, mang tính áp chế cao. Thế nhưng Judo - hay còn gọi là Nhu đạo - là sự kết hợp giữa “Nhu”  - tức mềm mại, uyển chuyển, và “Đạo” nghĩa là con đường, phương pháp. Hiểu đơn giản, Judo là “con đường của sự mềm dẻo”, trong đó võ sinh học cách tận dụng lực của đối phương để khống chế, thay vì chống trả bằng sức mạnh thô bạo. Đây cũng chính là nền tảng của nguyên tắc nổi tiếng trong Judo: lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh chế động với triết lý sống nhân văn, đề cao sự mềm dẻo và tính kỷ luật.

                    
Benjamin Nguyễn trong trang phục Judogi – tên gọi võ phục của bộ môn Judo.

    Tôi gặp Benjamin Sao Nguyễn (tên thân mật là Ben) có bố người Việt, mẹ người Pháp, vào một ngày hè tháng 5 ở Sài Gòn khi đang loay hoay tìm cho mình một môn thể thao để tập luyện nâng cao sức khoẻ sau chuỗi ngày vật lộn với các áp lực công việc và căng thẳng. Tiếp chuyện tôi là một chàng trai rắn rỏi, nước da bánh mật, ăn vận đơn giản với đôi dép tổ ong màu vàng và nụ cười hiền, ánh mắt lấp lánh. Dù biết trước anh sinh và ra lớn lên ở  Pháp, nhưng tôi vẫn bắt đầu bằng tiếng Anh vì dù sao nếu tôi “bonjour” thì những câu tiếp theo của màn chào hỏi tôi cũng không biết phải bập bẹ như thế nào. Nhưng thật bất ngờ, tôi ngỡ như đang nói chuyện với một người Việt Nam chính hiệu. Anh hồ hởi thân tình như người Việt và lịch thiệp ấm áp như những chàng trai Pháp vốn dĩ tự nhiên đã như thế.

                    
Benjamin ra đòn sutemi-waza quyết định trong giải đấu vô địch quốc gia Pháp năm 2016.
 
      Tình yêu với Judo từ thuở nhỏ
    Benjamin làm quen với Judo từ năm 4 tuổi khi cậu bé nhỏ nhắn được người chú có huyền đai môn võ này hướng dẫn những thế ngã đầu tiên và cậu bé khi ấy đã thật sự được truyền cảm hứng. Anh nhanh chóng đam mê Judo và thích những cảm giác phi thường mà Judo mang lại. Năm 15 tuổi, anh tham gia chương trình thể thao học đường ở Orléans và đã xuất sắc đoạt chức vô địch giải Thiếu sinh quân Pháp (dành cho độ tuổi dưới 17) và giành được một suất trong đội tuyển quốc gia.

                    
Benjamin trong giải vô địch quốc gia Pháp năm 2016

    Trải nghiệm của Benjamin ở môi trường thể thao Pháp, nơi Judo là một môn phổ cập mạnh mẽ từ trường học đến CLB, không chỉ là câu chuyện về những khó khăn và thách thức, mà còn là minh chứng cho sự kiên định của anh khi theo đuổi môn thể thao này.

                    
Benjamin và các võ sinh nhỏ tuổi trong những ngày đầu ở Việt Nam.
 
    Benjamin nhanh chóng khẳng định mình ở cấp độ thanh thiếu niên và gia nhập đội hạt giống ưu tú ở tuổi 19 (thi đấu ở giải hạng nhất). Benjamin mô tả thêm về các kỹ thuật chính của Judo, anh cho biết chúng bao gồm: ném (nage-waza), khống chế và siết (katame-waza), cùng các đòn vật ngã (sutemi-waza). Điều đặc biệt là trong thi đấu, võ sinh cần sử dụng kỹ thuật một cách chuẩn xác và nhanh nhẹn, bởi chỉ một đòn ném hoàn hảo có thể kết thúc trận đấu bằng điểm ippon tuyệt đối.
    Ben gọi “Mỗi cú ngã là một bài học, mỗi lần đứng dậy là một cơ hội để hiểu chính mình.” Không chỉ giúp rèn thể chất, Judo còn dạy anh tính kỷ luật, tôn trọng và kiểm soát cảm xúc.
      Benjamin Nguyễn – Trở về bằng võ đạo
    Ở tuổi 31, sau hành trình Judo thành công ở Pháp, tình yêu cội nguồn đưa anh trở về Việt Nam – mang theo võ đạo, văn hóa và cả nỗi nhớ về một quê hương chưa từng xa lạ. Benjamin quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu Judo chuyên nghiệp ở Pháp, để bắt tay vào thử thách mới cùng người vợ thanh mai trúc mã của mình, Soraya: truyền bá những lời dạy về Judo và các giá trị của nó tại quê hương Việt Nam. “Tôi mang trong mình dòng máu Việt, nhưng chưa từng thật sự sống tại quê hương. Khi trở về, tôi không chỉ tìm lại nguồn cội mà còn muốn đóng góp cho Judo Việt Nam - nơi đang phát triển nhưng vẫn còn thiếu nền tảng từ cơ sở đến huấn luyện. “Tôi về đây không chỉ để dạy Judo, mà để học cách hiểu mình là người Việt,” anh chia sẻ.

                    
Benjamin và vợ anh – Soraya – cũng là một VĐV Judo chuyên nghiệp, trong trung tâm Judo mang tên anh tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
 
    Lấy cảm hứng từ tinh hoa Dojo - một thuật ngữ tiếng Nhật, nghĩa là “võ đường”, trung tâm võ thuật của Benjamin là nơi học tập, nghiên cứu và luyện tập Judo. Nó được ấp ủ lên ý tưởng và tỉ mỉ xây dựng theo quy tắc võ đường truyền thống Nhật Bản đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của Liên đoàn Judo Pháp. Đây có thể nói là một chốn vừa bình yên vừa đẹp đẽ để tập trung luyện tập và để hoàn thiện phát triển bản thân, dành cho tất cả mọi lứa tuổi, hỗ trợ các CLB Judo cộng đồng, đồng thời tham gia các hoạt động thể thao học đường.

                    
Judo dạy người ta ngã đúng, để đứng lên an toàn hơn – như trong cuộc sống.

    Từ thảm đấu Pháp đến khán đài thi đấu Việt Nam, hành trình của Benjamin là minh chứng cho sức mạnh không biên giới của võ đạo Judo - môn võ sinh ra tại Nhật, lớn lên ở Pháp, và đang được tiếp lửa tại Việt Nam đã trở thành chiếc cầu nối giữa văn hóa, lý trí và trái tim. “Một trận đấu có thể kết thúc chỉ trong vài giây, nhưng để có được vài giây ấy là cả năm trời tập luyện với hàng trăm lần té ngã và đứng lên.” Ben nói.
    “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học, giáo dục đào tạo một người và gửi anh ta vào xã hội của thế hệ anh ấy là chúng ta đã đóng góp vào việc nhân rộng giáo dục cho hàng trăm thế hệ mai sau.” -  câu nói nổi tiếng của Kano Jigoro, nhà giáo dục thể thao người Nhật Bản đồng thời là người sáng lập ra môn võ Judo.

                    
Judo, môn võ đạo không chỉ dành cho người lớn – mà là hành trình trưởng thành cho mọi lứa tuổi.
 
    Benjamin không chỉ mang chuyên môn mà còn có tinh thần sư phạm. Anh ấy dạy võ như một người truyền cảm hứng sống. Benjamin cũng không mưu cầu danh vọng, với anh Judo là hành trình đi tìm bản thân, đi qua ngôn ngữ, văn hóa và con người.

                    
Cúi chào không chỉ là nghi thức – đó là lời nhắc: tôn trọng đối thủ và chính mình.

    “Judo đã cho tôi một cây cầu để nối hai miền xa – Nhật Bản và Việt Nam, nước Pháp và cội nguồn.”
   Tám giá trị của quy tắc đạo đức Judo được dạy cho mọi judoka ngay từ bước chân đầu tiên vào võ đường đó là "Tôn trọng, trung thực, tự chủ, tình bạn, lịch sự, danh dự, lòng can đảm và khiêm tốn". Với các VĐV chuyên nghiệp như Benjamin, Judo chính là hành trình dài của kỷ luật, kiên nhẫn và ý chí vượt lên bản thân.

                    
Võ đạo không dạy chiến thắng đối phương, mà dạy chiến thắng bản thân

    Sau 5 năm, Ben và triết lý giáo dục của vợ chồng anh thông qua môn võ Judo tại Việt Nam đã bước đầu gặt hái được những thành tựu đáng kể. Ánh mắt anh lấp lánh và đầy ắp hi vọng về một tương lai tốt đẹp trên hành trình trở về quê hương cội nguồn.

                    
 Benjamin với huy chương vàng trong Giải vô địch các câu lạc bộ Judo quốc gia.

    Bạn từng thử tập Judo hoặc một môn võ nào khác chưa?
    Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn cùng cộng đồng yêu thể thao tại phần bình luận!
Trần Thu Hương
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lương y Tâm Nguyễn: TIA HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI ĐANG TUYỆT VỌNG

    Mới đây, Đài truyền hình HTV9 đã thực hiện một chương trình Tallk show đặc biệt giới thiệu về Lương y Nguyễn Thị Tâm, thường gọi là...

CẢM ĐỘNG SỰ HỒI SINH KỲ DIỆU CỦA BỆNH NHÂN VŨ THỊ HỌA

    Câu chuyện về chị Vũ Thị Họa (Sinh năm 1987, ở Thôn 2 xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh, Nam Định) là một minh chứng đầy xúc động về sự kỳ diệu...

Tấm Gương Người Tốt Việc Tốt: NỮ BÁC SĨ NGUYỄN BÍCH THÁI - HẾT LÒNG VÌ SỰ NGHIỆP Y TẾ

    Sinh ra và lớn lên tại thành phố cảng Hải Phòng, dù đã bước vào tuổi 70 nhưng nữ bác sĩ Nguyễn Bích Thái vẫn giữ được...